Dưới đây là câu chuyện về những gia đình vì muốn xây nhà tiết kiệm mà bỏ qua sự quan trọng của hệ thống điện.
Nhân dịp khí trời se lạnh mùa cuối thu đầu đông, chị Hương (ngụ tại Cầu Giấy, Hà Nội) mời họ hàng và bạn bè sang ăn lẩu để mừng nhà mới. Vốn không thích mùi bếp cồn và e ngại sự nguy hiểm của bếp gas mini nên chị mượn cùng lúc bốn nồi lẩu điện để dùng.
Tối hôm đó, cả nhà 20 người đang quây quần trò chuyện và chờ nước lẩu sôi để thưởng thức thì cả nhà chợt cúp điện tối thui. Ban đầu, chị Hương nghĩ là chỉ cúp điện bình thường thôi nhưng khi ánh đèn nhà đối diện vẫn sáng thì chị liền nghĩ khác.
Sau một vòng kiểm tra, chồng chị Hương phát hiện aptomat ở công tơ ngoài cột điện bị “nhảy”. Nguyên nhân đến từ việc bốn nồi lẩu công suất lớn hoạt động cùng lúc với nhiều thiết bị khác trong nhà như tủ lạnh, bình đun nước siêu tốc và hệ thống đèn khiến đường dây bị quá tải.
Cũng may, aptomat chưa cháy nên sau khi đóng lại, gia đình vẫn có thể dùng điện. Tuy nhiên, 20 người lớn buộc phải ăn chung hai nồi lẩu. Phải tới lúc vị khách cuối cùng ra về, vợ chồng chị Hương mới thở phào nhẹ nhõm vì chưa xảy ra chập cháy gì.
Vợ chồng chị Hương không phải trường hợp bị sập điện duy nhất vì cố xây nhà tiết kiệm. Các sự cố điện tại nhà anh Việt (ngụ quận Hoàng Mai, Hà Nội) xảy ra như cơm bữa từ khi nhà xây xong năm 2012. Chỉ vì xây nhà tiết kiệm mà giờ đây anh tốn bộn tiền theo các lần chập điện, cháy thiết bị, mất điện nguồn, “nhảy” aptomat...
Sau khi mời kỹ sư điện đến kiểm tra kỹ lưỡng thì phát hiện hệ thống điện được thi công yếu hơn so với nhu cầu thực tế. Vì vậy mà aptomat nguồn liên tục bị quá tải, nhiều dây dẫn bị cháy, đứt. Muốn khắc phục, anh Việt phải làm lại hệ thống điện của toàn bộ nhà gồm phân chia lại nguồn điện và thay dây dẫn có tiết diện lớn hơn, tốn kém không ít.
Vì muốn xây nhà tiết kiệm lúc đầu nên đường điện chỉ được tính vừa đủ cho nhu cầu lúc đó, kéo theo việc dây dẫn có tiết diện nhỏ. Sau này, gia đình mua sắm thêm nhiều thiết bị nên dẫn đến quá tải. Nhà anh có tất cả bốn phòng ngủ cho 7 thành viên. Mùa nắng nóng, cả bốn phòng đều mở điều hòa nên sập nguồn điện. Giữa đêm khuya, anh phải lò mò ra đường để đóng aptomat. Từ đó, gia đình đành phải thu xếp ngủ trong hai phòng chật chội để tránh nóng.
Khu vực nhà bếp dễ bị quá tải điện vì có quá nhiều thiết bị được sử dụng cùng lúc
Kiến trúc sư Đức Anh đưa ra lời khuyên rằng ngay lúc chuẩn bị xây nhà, gia chủ cần tính toán kỹ lưỡng hệ thống điện để có thể chịu tải cùng lúc nhiều thiết bị. Trong thực tế, hầu hết các hộ gia đình thường phải mua thêm các thiết bị điện trong quá trình ở vì không đủ tải trọng.
Đừng vì xây nhà tiết kiệm mà cắt bớt chi phí của đường điện. Việc này có thể khiến gia chủ tốn thêm kha khá tiền về sau, chưa kể đến việc đảm bảo an toàn trong sinh hoạt. Hầu hết các đường dây được làm ngầm trong tường. Vì vậy, việc cải tạo sẽ vô cùng vất vả và tốn kém.
Đối với các nhà cùng nhiều thiết bị điện, gia chủ nên tách thành 2-3 hệ thống điện qua các aptomat khác nhau để giảm tải bớt cho aptomat tổng. Chủ nhà cũng cần lưu ý tránh dùng cùng lúc quá nhiều thiết bị trong một khu vực như nhà bếp với nào là tủ lành, lò nướng, bếp điện, quạt hút... vì dễ gây quá tải.
“Phải tính toán kỹ từ trước khi xây, thi công phải đúng thiết kế với các vật liệu và thiết bị chất lượng cao, đúng chủng loại thì mới đảm bảo được sự vận hành tốt cũng như yếu tố an toàn của hệ thống về lâu dài”, KTS Đức Anh khuyên.
CCOIN theo MBND